Bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam đang phụ thuộc mạnh vào đòn bẩy tài chính và rất nhạy cảm với lãi suất ngân hàng.
Tại Diễn đàn “Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam – Xu hướng đầu tư”, bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, một trong những điểm vướng lớn nhất trên thị trường bất động sản hiện nay liên quan đến pháp lý. Đây là điểm vướng đã tồn tại từ rất lâu.
Ngoài ra, bà Trang Bùi cũng công bố số liệu, các quỹ FDI vào Việt Nam đã tăng gấp từ 2 đến 3 lần trong vòng 15 năm qua, cao hàng đầu trong các nước khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong số đó, các quỹ đầu tư bất động sản chỉ chiếm khoảng từ 8 đến 10%.
“Bất động sản Việt Nam đang nói nhiều về nhà ở. Nhưng thực tế còn rất nhiều mảng khác nữa. Các quỹ đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm rất nhiều loại hình khác nhau, không chỉ là nhà ở. Nhà ở chỉ là một loại hình đang lớn nhất tại thời điểm này. Mỗi loại hình quỹ sẽ có các tiêu chí khác nhau, tất cả hầu như đều vướng về pháp lý”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Bà Trang Bùi dự báo từ quý III năm 2024 trở đi, thị trường sẽ có hy vọng tăng tốc. Bà quan sát và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam đang phụ thuộc mạnh vào đòn bẩy tài chính và rất nhạy cảm với lãi suất ngân hàng. Ở mặt khác điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho thị trường vốn.
Bà Trang đưa ra một góc nhìn coi bất động sản là một xương sống của nền kinh tế, ngoài nhà ở để an cư, tất cả các mặt khác như: Thương mại, công nghiệp, nghỉ dưỡng, y tế đều cần bất động sản để làm nền tảng. Quy hoạch đô thị từ đó mới tính được lượng bất động sản để phát triển.
“Mảng căn hộ, 10 năm tiếp theo có thể có 577 ngàn căn. Trong vòng 10 năm qua, nhà liền thổ tăng trưởng giá hơn 637%, nhưng đến giờ thiếu nguồn cung. Các khu đô thị tương lai sẽ nở ra từ trung tâm thành phố và ngày càng nhiều hơn, lớn hơn, mọc xung quanh các đô thị đã phát triển, đặc biệt là TP.HCM”, bà Trang Bùi dự báo.
Để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, vốn đã có nhiều thâm niên, nhiều kinh nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới, bà Trang Bùi cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cần nắm bắt các xu hướng tương lai.
Thứ nhất là Xanh, Việt Nam hiện có 430 dự án được chứng nhận phát triển Xanh/Bền vững. Các tòa nhà có Chứng chỉ phát triển xanh/bền vững có giá thuê trung bình cao hơn 15% so với các tòa nhà cùng loại nhưng không có chứng chỉ. Bên cạnh đó là thực hiện ESG. Các doanh nghiệp Việt muốn đi ra thế giới, đi xa, hòa nhập với các doanh nghiệp quốc tế thì phải chứng minh được thực hiện ESG.
Thứ hai là Placemaking, kiến tạo không gian. Có 4 yếu tố cho một không gian lý tưởng là Tính xã hội, Công dụng và Hoạt động, Khả năng kết nối và Sự thoải mái, hình ảnh. Những yếu tố này tạo cho người dùng trạng thái tốt nhất khi bước vào không gian đó.
“Hiện nay các chủ đầu tư mới chỉ tập trung vào xây dựng số lượng. Nếu doanh nghiệp nào nắm bắt được placemaking sẽ đi rất xa, tăng tính cạnh tranh trên thị trường”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Cũng tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng chia sẻ về lĩnh vực bất động sản, sau nhiều năm bùng nổ phân khúc cao cấp, nhà ở bình dân dần biến mất khỏi thị trường, việc làm, thu nhập suy giảm là bi kịch của thị trường.
Bàn về giải pháp, theo ông Thiên, thứ nhất, đặt vấn đề về lạm phát phải thay đổi, tăng trưởng cao lạm phát thấp là có vấn đề. Theo thông thường về kinh tế, tăng trưởng cao thì lạm phát phải cao, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nội địa thiếu vốn, quan điểm chung về kinh tế vĩ mô, lạm phát cần phải được nhìn nhận lại.
“Có lẽ chủ trương hạ lãi suất vẫn hơi ít, hơi muộn và đã có những doanh nghiệp không thể chờ được nguồn vốn đó mà rời khỏi thị trường”. Ông Thiên cho biết cần 3 kim chỉ nam cho các giải pháp này là: “Thông suốt (hàng hóa, dòng tiền) – Thông thoáng (cơ chế chính sách) – Thông minh (bộ máy thực thi)”.
Thứ hai, trong kỳ vừa qua, ngoài hạ lãi suất, ra sức giải ngân đầu tư công, chính sách về thị trường trái phiếu đã phần nào được tháo gỡ, song thực tế thì tiện nay thị trường cổ phiếu, trái phiếu vẫn còn nhiều tồn tại, do đó cần nỗ lực cấu trúc lại.
Thứ ba, cần sớm thực thi các chính sách mới nhằm gỡ khó cho các dự án, khơi thông dòng chảy đầu tư cho doanh nghiệp. Cần cách tiếp cận khác cho nhà ở xã hội. Xác định rõ vai trò của nhà nước – ngân hàng – doanh nghiệp – người dân.
Minh Minh
Đời sống Pháp luật