Nhờ bệ đỡ từ các chính sách, quy định pháp luật, cộng thêm môi trường lãi suất cho vay đang ở mức thấp đã kích thích các nhà đầu tư dần quay trở lại với bất động sản.
Số liệu mới nhất do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa công bố cho thấy trong 3 tháng đầu năm nay, tổng nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 30.511 sản phẩm, trong đó có hơn 4.626 sản phẩm mới, lần đầu tiên ra mắt thị trường. Giao dịch thành công đạt khoảng 6.360 giao dịch, tăng 10% so với quý IV năm ngoái và cao gấp đôi cùng kỳ năm 2023.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 29-2-2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,114 triệu tỉ đồng, tăng hơn 20.700 tỉ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 1,86%).
“Combo” bệ phóng cho thị trường địa ốc
Đánh giá về tác động của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội Việt Nam cho rằng: “Đối với nhà ở hình thành trong tương lai, Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về đất đai và hàng loạt các văn bản khác như giấy phép xây dựng, nghiệm thu hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền móng… từ cơ quản lý nhà nước trước khi thu tiền đặt cọc, ký hợp đồng mua bán với người mua. Điều này góp phần đảm bảo quyền lợi cho người mua khi giao dịch.
Việc chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính đồng nghĩa với việc người mua cũng được đảm bảo được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng nhà và tài sản gắn liền với đất sau này.”
Trước đây, một số dự án tới khi được bàn giao nhà và vào ở, người mua vẫn chưa nhận được giấy tờ chứng nhận về quyền sử dụng nhà và tài sản gắn liền với đất do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Khi Luật này có hiệu lực sẽ giúp củng cố niềm tin từ phía người mua khi giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.
“Bên cạnh đó, người mua có quyền lựa chọn không có bảo lãnh từ tổ chức tín dụng cho các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình. Việc cho phép này tạo ra sự linh hoạt và giảm chi phí, thủ tục cho cả hai bên. Tuy nhiên, người mua cũng cần cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích khi yêu cầu chủ đầu tư thực hiện điều này” – bà Hằng lưu ý.
“Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) lần này hướng rất nhiều đến việc bảo vệ lợi ích cho người mua và cũng yêu cầu chặt chẽ hơn từ phía chủ đầu tư trong việc bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai. Đây là sự thay đổi cần thiết giúp thị trường minh bạch, rõ ràng và phát triển bền vững hơn trong tương lai” – bà Hằng đánh giá.
TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua với các quy định mới theo hướng gỡ khó cho các chủ thể tham gia thị trường.
Như vậy, hiện nay thị trường tồn tại đủ “combo” sẵn sàng làm bệ phóng cho tiến trình phục hồi với: Sự hậu thuẫn từ phía thượng tầng, các căn cứ bản lề từ ba bộ Luật có tầm ảnh hưởng nhất tới thị trường, sự quyết tâm của các chủ thể và niềm tin của nhà đầu tư ngày càng được củng cố.
Bất động sản đã vượt qua sóng gió
Nhờ vậy, đã có những dự án quy mô hàng trăm đến vài chục ngàn ha được khởi động. Dự án có vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD được công bố hàng loạt cùng với những đề xuất đầu tư, phê duyệt, khởi công, kéo theo làn sóng đầu tư, dẫn dắt thị trường tại khu vực. Các chủ đầu tư tích cực làm mới các dự án cũ nhằm góp phần khuấy động thêm thị trường.
Điểm chung của các dự án chào sân trong giai đoạn này là pháp lý chuẩn chỉnh, có sự đầu tư mạnh về hạ tầng, cảnh quan và tiện ích, cùng các chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm tăng tính thuyết phục với nhà đầu tư.
Mới đây, Công ty CP Kinh doanh – Dịch vụ Bất động sản Realty Holdings đã mua lại hơn 7.400 sản phẩm tại hai dự án trọng điểm của Công ty bất động sản Phát Đạt với giá gần 40.000 tỉ đồng.
Trước đó, Capitaland Development Việt Nam đã khởi công phân khu thấp tầng The Orchard thuộc dự án Sycamore tại thành phố mới Bình Dương; hay như Phú Đông Group cũng đã khởi công dự án Phú Đông SkyOne tại Bình Dương.
Bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách, yếu tố về lãi suất cũng phần nào giúp thị trường bất động sản đi lên từ vùng đáy. Hiện lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp, xấp xỉ với mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục thời Covid-19.
Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn liên tục tăng nhờ các giải pháp của ngành ngân hàng và các cơ quan liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
“Đến nay, tín dụng mua nhà đã tăng nhẹ tại một số ngân hàng thương mại có hệ sinh thái bất động sản đa dạng, người dân bắt đầu có động thái đầu tư trở lại. Tuy nhiên, điều kiện cho vay vẫn siết chặt khiến nhà đầu tư, người mua nhà vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, làm giảm sức cầu vốn đã yếu” – TS Đính nói.
Nguồn: https://plo.vn/